Ngày 25/8/2022, Ủy ban nhân dân quận tổ chức lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội “Khai hạ - Cầu an” tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tham dự có các đồng chí Phan Thị Thắng, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Thế Thuận, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố; Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Văn hóa Xã hội, HĐND Thành phố; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy; Hội Di sản văn hóa; Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Thành phố; Phòng Quản lý di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Thành phố; đại diện lãnh đạo UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; ông Nguyễn Đình Tư, nhà nghiên cứu Sử học (năm nay 102 tuổi). Về phía quận có các đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy; Đinh Khắc Huy, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; nguyên lãnh đạo Quận ủy, UBND quận; Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Thường trực UBND quận, lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng; các phòng, ban, đơn vị, trung tâm và đoàn thể quận; lãnh đạo Đảng ủy, UBND 20 phường; các cơ sở tín ngưỡng; Ban Giám hiệu và học sinh các trường học trên địa bàn quận.
Lễ Khai hạ - Cầu an thường diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Các nghi thức tế lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ và TPHCM để cầu mong mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông. Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội với các tuồng như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu...
Đồng chí Phan Thị Thắng trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cho lãnh đạo quận và Ban Quản lý lăng. (Ảnh: HĐ) |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận nhấn mạnh, lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến, đóng góp to lớn của Nhân dân vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, Bình Thạnh ngày nay đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này. Đây không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân TPHCM, của người dân quận Bình Thạnh mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Thay mặt Nhân dân Thành phố đón nhận vinh dự này. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân quận Bình Thạnh. Đồng chí đề nghị các sở ngành liên quan tiếp tục cùng quận Bình Thạnh hợp tác chặt chẽ, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội này. Cần có nhiều hình thức thiết thực, sinh động để quảng bá nét đặc trưng này để du khách không thể bỏ qua khi đến TPHCM.
Sau phần lễ có chương trình biểu diễn nghệ thuật hát bội, trích đoạn “Lê Công kỳ án”, Trần Bình Trọng; chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy; đờn ca tài tử; viết thư pháp và các hoạt động trò chơi dân gian...
Tại TPHCM, ngoài lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt còn có lễ hội Nguyên Tiêu (Quận 5), lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
MINH HOÀNG