Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác lấy mẫu xét nghiệm tại quận

 

Ngày 15/7/2021, Đoàn công tác Bộ Y tế do PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch Covid-19 làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác triển khai lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng tại Phường 25, quận Bình Thạnh.

Ông Phạm Văn Tồn, Chủ tịch UBND Phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, công tác phòng chống dịch trên địa bàn phường được triển khai với sự huy động tổng lực từ lực lượng y tế địa phương cũng như nguồn chi viện từ Bộ Y tế. Ngoài các lực lượng chức năng, công tác phòng chống dịch trên địa bàn có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các Tổ Covid cộng đồng, thành viên Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, lực lượng thanh niên tình nguyện… Riêng công tác lấy mẫu xét nghiệm, ngoài lực lượng y tế của phường còn có sự hỗ trợ nhân lực từ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Tính đến nay phường đã lấy được trên 15.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly y tế, người sau cách ly, khu phong tỏa và cộng đồng. Trong sáng ngày 15/7, phường tổ chức 9 điểm lấy mẫu xét nghiệm và sẽ triển khai khoảng 30 điểm lấy mẫu trong chiều cùng ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi động viên nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Phường 25. (Ảnh KN)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi động viên nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm
cho người dân tại Phường 25. (Ảnh KN)

Qua kiểm tra, các chuyên gia trong đoàn đánh giá cao công tác lấy mẫu xét nghiệm đang được triển khai, việc điều phối người đến lấy mẫu được thực hiện theo từng khung giờ, đảm bảo hạn chế tình trạng tập trung đông người, người đến lấy mẫu cũng được bố trí ngồi giãn cách theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, bên cạnh việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch theo hướng dẫn của Trung ương, địa phương cần thực hiện văn bản 5599 của Bộ Y tế ban hành ngày 14/7 về quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19. Điểm cần lưu ý là giảm thời gian nằm viện của F0, thí điểm cách ly y tế F0 tại nhà nhằm giảm áp lực cho hệ thống các cơ sở cách ly, thu dung điều trị trên địa bàn. Thứ trưởng còn nhấn mạnh “Để triển khai thực hiện cách ly tại nhà đối với các trường hợp F0 đủ điều kiện, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể bao gồm nhân sự, quản lý… để sớm đưa vào thực hiện”.  

                  THANH XUÂN

Quan tâm, chăm lo cho người dân, tiêm vắc-xin cho những người nghèo

 

Ngày 01/8/2021, Đoàn công tác của Thành phố do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại UBND quận Bình Thạnh về triển khai thực hiện công tác phòng, dịch Covid-19 trên địa bàn.

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy cho biết: tính từ ngày 09/7, hầu hết người dân trên địa bàn quận nghiêm túc chấp hành việc hạn chế đi ra đường; chỉ có 162 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16 bị xử phạt với số tiền 313 triệu đồng; các phường đã triển khai phát phiếu đi mua thực phẩm cho người dân. Qua khám sàng lọc, tính từ ngày 27/4 đến nay trên địa bàn quận có 3.666 ca F0, trong đó có 748 ca F0 đang cách ly tại các cơ sở của quận (số còn lại cách ly tại các bệnh viện tuyến trên, tại nhà) và 326 ca qua nhiều lần xét nghiệm có kết quả âm tính; 2.897 ca F1, 4.842 ca F2, trong đó có 392 ca F1 cách ly tại khách sạn; 912 ca F1 được cách ly tại nhà. Sau khi thực hiện phong tỏa tại 20 phường, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm được 405.059 mẫu, trong đó lấy 192.638 mẫu tại các khu phong tỏa và cộng đồng; 8.438 mẫu tại cách ly y tế, người sau cách ly y tế. Về tiêm vắc-xin, có 20 điểm tiêm tại 20 phường và 2 điểm tại quận. Đến nay, đã tiêm 16.073/18.599, đạt 86,42%. Ngoài ra, triển khai cách ly tại nhà cho các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng và quy trình xử lý các tình huống F0 chuyển nặng. Các F0 được hướng dẫn cách thức tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà, quận cung cấp số điện thoại nóng để F0 và người nhà liên hệ khi phát hiện bất thường về sức khỏe…

Đồng chí Nguyễn Thành Phong kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh AH)
Đồng chí Nguyễn Thành Phong kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh AH)

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo quận nắm chắc tình hình sức khỏe các trường hợp F0 và có quy trình quản lý chặt chẽ, hỗ trợ chăm sóc kịp thời để nâng cao sức khỏe cho các F0, hạn chế đến mức thấp nhất các F0 chuyển nặng. Khi các F0 có chuyển biến xấu về sức khỏe, phải được y tế cơ sở chăm sóc kịp thời để hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết số ca F0 đều phát hiện tại các khu vực phong tỏa, khu cách ly, cho thấy việc quản lý “ngoài chặt, trong lỏng”. Vì vậy, khi thực hiện phong tỏa, cách ly cần phải nghiên cứu quy mô vừa phải. Phong tỏa quá hẹp sẽ bỏ sót các F0, F1; quá rộng sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và khó quản lý. Khi phong tỏa, sau khi quét xong F0, F1 phải tiến hành giải tỏa từng phần, có thể cách ly theo từng nhà, từng khu trong khu vực phong tỏa. Bên cạnh đó, tránh thời gian phong tỏa quá lâu; khi phong tỏa đừng vội an tâm, phải phát huy vai trò Tổ Covid cộng đồng. Đồng chí đề nghị quận thực hiện nghiêm chỉ đạo về triển khai, thực hiện 11 nội dung về quản lý khu phong tỏa và nhấn mạnh “Nếu quyết liệt thực hiện thì tình hình các khu phong tỏa sẽ tốt hơn”. Mặt khác, chính quyền quận tập trung quan tâm chăm lo cho người nghèo và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những người yếu thế, đảm bảo cung ứng lương thực tại các khu phong tỏa, cách ly, không để người dân thiếu ăn. Đồng thời, lãnh đạo quận cần quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong kiểm tra khu phong tỏa tại hẻm 380 Nơ Trang Long. (Ảnh AH)
Đồng chí Nguyễn Thành Phong kiểm tra khu phong tỏa tại hẻm 380 Nơ Trang Long. (Ảnh AH)

Dịp này, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong tặng quà, kiểm tra thực tế tại Bệnh viện dã chiến quận, khu phong tỏa 10 hộ dân tại hẻm 380 Nơ Trang Long, Phường 13 và quy trình xử lý F0 tại Tổ Covid cộng đồng Phường 13.

                   ANH HOÀNG


Lãnh đạo Thành phố kiểm tra trước khi vận hành Bệnh viện dã chiến quận


          Ngày 31/7/2021, đồng chí Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố kiểm tra công tác chuẩn bị vận hành Bệnh viện dã chiến quận Bình Thạnh. Cùng đi có đại diện Sở Y tế Thành phố; thành viên Tổ công tác hỗ trợ quận; về phía quận đón tiếp đoàn kiểm tra có các đồng chí Bí thư Quận ủy Vũ Ngọc Tuất; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Triệu Lệ Khánh; Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đinh Khắc Huy; Giám đốc Bệnh viện quận, bác sĩ Trần Trung Đệ.

Đây là địa điểm được chuyển đổi công năng từ Trường Tiểu học Bình Hòa, tại số 1, đường Chu Văn An, Phường 12 với nhiều cơ sở vật chất còn lại thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Bệnh viện có quy mô 3 tầng gồm 36 phòng, với 180 giường (có 2 phòng cấp cứu với 20 giường, số còn lại là phòng nhận bệnh, phòng đại thể và phòng hành chính), 20 họng thở ôxy trung tâm để cung cấp cho các bệnh nhân chuyển nặng. Bên cạnh lực lượng điều phối còn có 20 xe của đội phản ứng nhanh từ 20 phường trên địa bàn quận. Dịp này lãnh đạo Thành phố, quận và Sở Y tế theo dõi quy trình diễn tập phương án tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến quận.

Đồng chí Phan Thị Thắng (giữa) trao đổi quy trình vận hành Bệnh viện dã chiến cùng lãnh đạo quận. (Ảnh COH)
Đồng chí Phan Thị Thắng (giữa) trao đổi quy trình vận hành Bệnh viện dã chiến cùng lãnh đạo quận. (Ảnh COH)

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Thị Thắng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền quận đã nỗ lực chuẩn bị, tổ chức thi công để hoàn thành bệnh viện dã chiến trong vòng 3 ngày. Đồng thời đề nghị ngành y tế cần rà soát lại các nhu cầu về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện phục vụ tại đây; đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Quá trình hoạt động của Bệnh viện dã chiến cần có sự phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng Công an, cũng như sự hỗ trợ về hậu cần của lực lượng Quân sự và các tổ chức đoàn thể. Ngoài ra, cũng cần bố trí hợp lý các điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, đảm bảo tốt sức khỏe, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay. Đặc biệt, cần xây dựng các phương án vệ sinh, tổ chức tập huấn, hướng dẫn công tác phòng dịch; đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế; sẵn sàng cơ chế vận hành cũng như mọi điều kiện tốt nhất để khi có bệnh nhân sẵn sàng thu dung, điều trị.

                 COH

Đồng chí Phan Thị Thắng kiểm tra các thiết bị y tế phục vụ thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. (Ảnh COH)
Đồng chí Phan Thị Thắng kiểm tra các thiết bị y tế phục vụ thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. (Ảnh COH)

Khánh thành Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại quận


          Ngày 02/8/2021, UBND quận Bình Thạnh khánh thành Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.

Tham dự có PGS.TS Tăng Chí Thượng, Thành ủy viên, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố; quận Bình Thạnh có các đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy; Triệu Lệ Khánh, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Đinh Khắc Huy, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; lãnh đạo các đơn vị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Bệnh viện quận, Quận Đoàn; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh.

Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên của quận, nhân lực được bố trí phục vụ tại đây gồm có 28 bác sĩ, 42 điều dưỡng được điều động từ Bệnh viện quận Bình Thạnh cùng một số tình nguyện viên là y bác sĩ, sinh viên y khoa. Bác sĩ Trần Trung Đệ, Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh là người trực tiếp điều hành và chỉ đạo tại đây; nhân viên tham gia công tác tại bệnh viện này dành toàn tâm toàn ý cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19.

Việc thành lập bệnh viện này nhằm điều trị cho những người được chẩn đoán xác định nhiễm Covid-19 qua xét nghiệm nhanh tại bệnh viện quận và trong cộng đồng, góp phân giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Toàn bộ trang thiết bị y tế phục vụ cho khu điều trị này do Công ty cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ.

Đồng chí Đinh Khắc Huy phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành. (Ảnh NN)
Đồng chí Đinh Khắc Huy phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành. (Ảnh NN)

Dịp này, lãnh đạo quận trao Thư cảm ơn và các phần quà cho 6 đơn vị đã tích cực phối hợp thực hiện hoàn thành bệnh viện dã chiến đúng tiến độ đề ra.

 NGỌC NỮ

PGS.TS, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Tăng Chí Thượng và đồng chí Bí thư Quận ủy Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất trao Thư cảm ơn và quà cho các đơn vị. (Ảnh NN)
PGS.TS, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Tăng Chí Thượng và đồng chí Bí thư Quận ủy Bình Thạnh
Vũ Ngọc Tuất trao Thư cảm ơn và quà cho các đơn vị. (Ảnh NN)

Tiếp đoàn thành phố về kiểm tra tình hình triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch


Ngày 15/7/2021, UBND quận tiếp đoàn lãnh đạo Thành phố do đồng chí Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố làm trưởng đoàn về kiểm tra tình hình triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tham gia đoàn kiểm tra có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, Sở Công Thương, Liên đoàn Lao động Thành phố. Tiếp đoàn có lãnh đạo Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động quận.

Trên cơ sở triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐNĐ Thành phố ban hành ngày 25/6/2021, thời gian qua quận Bình Thạnh tập trung đẩy nhanh thực hiện đến tất cả các đối tượng theo đúng tinh thần Nghị quyết 9 của HĐND Thành phố. Tính đến ngày 15/7, đối với gói hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã duyệt hồ sơ 1 doanh nghiệp với 33 lao động, trong đó có 6 lao động nuôi dưỡng trẻ em dưới 6 tuổi với số tiền trên 68 triệu đồng; lập hồ sơ hỗ trợ 12 doanh nghiệp với 95 lao động, với số tiền 171 triệu đồng. Đối với gói hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc làm, quận xét duyết, hỗ trợ 11.000/17.000 trường hợp với kinh phí thực hiện 16,5 tỷ đồng. Đối với việc hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống, đang thẩm định và trình duyệt trên 400/990 điểm kinh doanh đủ điều kiện để chuyển về Ban Quản lý các chợ thực hiện chi trả cho thương nhân... Ngoài ra, còn quan tâm thực hiên tốt hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế tập trung và người tham gia công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp chăm lo cho lực lượng tuyến đầu, các hộ dân trong khu vực phong tỏa và các hộ cận nghèo, hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn: số lượng người lao động tự do trên địa bàn nhiều, tình hình dịch diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều F0, F1, F2. Vì vậy công tác hỗ trợ tiền trợ cấp đến người dân trong những ngày đầu triển khai có chậm so với kế hoạch đề ra. Một số hộ kinh doanh ngừng hoạt động, chủ cơ sở về quê nên chưa lập danh sách cho người lao động.

Quang cảnh buổi tiếp đoàn thành phố kiểm tra thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19. (Ảnh: P.An)
Quang cảnh buổi tiếp đoàn thành phố kiểm tra thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động,
người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19. (Ảnh: P.An)

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc, đồng thời đề nghị UBND, các phòng ban chức năng quận tập trung kiểm duyệt, giải ngân nhanh chóng đối với các trường hợp đủ điều kiện. Tiếp tục cập nhật danh sách để kịp thời hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19, tiếp tục rà soát các đối tượng khác theo quy định và thực hiện chi trả trong thời gian sớm nhất. Các phòng ban chức năng, Liên đoàn Lao động quận cần thông báo đến các doanh nghiệp và yêu cầu Công đoàn cơ sở đốn đốc chủ doanh nghiệp lập danh sách đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 30 ngày trở lên trong tháng 5, 6 để nhận gói hỗ trợ theo quy định. Đề nghị UBND quận chỉ đạo Bảo hiểm xã hội quận ra soát, lập danh sách người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp để được giải quyết nhận tiền hỗ trợ. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quận cần tăng cường kiểm tra giám sát các khâu: lập, thống kê danh sách, xét duyệt, chi hỗ trợ, quyết toán. 

         P. AN

Tăng cường phòng chống dịch Covid-19

             Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố và Quận hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày 14/7/2021, UBND quận triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp.

          Những doanh nghiệp trên địa bàn quận phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nghi nhiễm Covid-19 phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Chỉ được hoạt động trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Riêng các doanh nghiệp đảm bảo được một trong hai điều kiện: vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) hoặc thực hiện được phương châm “1 cung đường 2 địa điểm” (duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân). Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm cho công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động kể từ ngày 15/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.

          Riêng đối với các khu vực phong tỏa cách ly y tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi xuất nhập vật tư, sản phẩm, phương tiện được phép ra vào khung giờ từ 22 giờ đến 5 giờ. Tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, phải khai báo y tế và cập nhật vào sổ nhật ký hằng ngày; phải lập danh sách phương tiện và liên hệ UBND phường để được hướng dẫn tuyến lưu thông để các loại phương tiện ra vào theo đúng lộ trình quy định.

·        Tiếp đó, ngày 25/7/2021, UBND quận triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bằng việc triển khai thực hiện phiếu mua nhu yếu phẩm đối với từng hộ dân.

Các phiếu mua lương thưc, thực phẩm thiết yếu, thuốc cho các hộ dân trên địa bàn phường được phân bổ theo tần suất 2 lần/tuần (mỗi hộ gia đình chỉ cử 1 người đi mua trong khung giờ quy định), phân theo ngày chẵn, lẻ. Người đi mua sắm phải đảm bảo đúng khoảng cách, thời gian, số lượng các hộ đến địa điểm mua sắm phù hợp với khu dân cư.

          Đối với các hộ dân tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, đang cách ly y tế và các gia đình có ca F0, F1; UBND phường cử người hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng nhà thông qua hình thức đi chợ giúp dân. Mục đích nhằm triệt để thực hiện “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”, tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh.

          Bên cạnh đó, UBND quận chỉ đạo Ban Quản lý các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải có biện pháp hạn chế số lượng khách hàng vào mua sắm tại cùng thời điểm; đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân. Đồng thời, phải cam kết hàng hóa đảm bảo chất lượng, niêm yết giá rõ ràng.

  MH

Hướng dẫn phòng, chống dịch trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16

         Ngày 19/7/2021, UBND quận triển khai việc hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn.

Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Nhà cách ly đối tượng F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài, người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực/phòng riêng cho người F1 nếu có thể; bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần F1 sử dụng. Tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư; nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Trường hợp có đông F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư… thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra khu cách ly tập trung.

Địa phương cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến trực tiếp các nhà ở/hộ gia đình và thực hiện việc theo dõi, giám sát hằng ngày.

Đối với khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe và có thể xem xét cho phép cách ly trường hợp F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín nhưng nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

Các khu vực còn lại có nguy cơ thấp thì áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Không cần áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

          Áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh. Đối với khu vực nguy cơ rất cao, thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình; thực hiện mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình, gộp 3 đến 5 mẫu đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần, lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình. Các khu vực khác, thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong gia đình hoặc người được phép đi ra ngoài nhà. Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu… Trường hợp cần thiết, có thể mở rộng phạm vi, đối tượng xét nghiệm.

          Bên cạnh đó, thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp… đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng. Đồng thời, xem xét hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất - kinh doanh tự lấy mẫu xét nghiệm.

          Song song đó, tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 an toàn và hiệu quả và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng, để giảm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tăng nặng bệnh và giảm tử vong. Tăng cường kiểm tra, giám sát, dừng ngay hoạt động nếu cơ sở sản xuất - kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất - kinh doanh tổ chức xét nghiệm Covid-19, thực hiện công tác y tế phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo yêu cầu vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch hiệu quả.

                                         MH

Tiếp đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội

  Ngày 31/7/2024, Ủy ban nhân dân quận tiếp đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM về rà soát, lập danh sách cấp giấy khai sinh...